Lượt xem:34375
NGƯỜI TU THEO ĐẠO PHẬT PHÁP MÔN THIỀN TÔNG “Ở TRONG THANH TỊNH LÂU ĐIÊN”
******
Tôi là Phạm Quốc Huy, cư ngụ: Tổ 3, Khu 3, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, SĐT: 0782.292.858, xin hỏi Thiền tông gia Đức Tịnh 1 câu:
Câu 1: Trong Đạo Phật Thiền Tông có nói câu: “Người tu theo Đạo Phật Pháp môn Thiền tông mà ở trong Thanh tịnh lâu là bị điên”, câu nói này có ý nghĩa như thế nào, mong Thiền tông gia giải thích rõ ràng cho tôi và mọi người hiểu. Xin cảm ơn!
Xin trả lời anh:
Trong mỗi con người có 2 thứ tánh:
Một là, Tánh Phật:
Trong Tánh Phật tự nhiên có cái “Ý”. Trong mỗi cái Ý tự nhiên có 4 thứ, gồm:
- Có cái tự nhiên Thấy, gọi là “Hằng Thấy”.
- Có cái tự nhiên Nghe, gọi là “Hằng Nghe”.
- Có cái tự nhiên Rung động, muốn phát ra tiếng, tự nhiên có tiếng, gọi là “Hằng Pháp”, tức tiếng nói.
- Có cái tự nhiên Biết, gọi là “Hằng Tri”.
Bốn thứ này gọi là sự sống của cái Ý.
- Cái Ý này được điện từ Quang trong Phật giới bao bọc lại gọi là “Tánh của Ý”.
Đức Phật và “Mười Phương Chư Phật” gọi là “Phật Tánh” hay “Tánh Phật Thanh tịnh”.
Hai là, tánh Người:
Trong tánh Người có 16 thứ tánh, gồm:
- Tánh Người có 16 thứ tánh: Thọ - Tưởng - Hành - Thức - Tài - Sắc - Danh - Thực - Thùy - Tham - Sân - Si - Mạn - Nghi - Ác - Kiến.
Đạo Phật Pháp môn Thiền tông là Pháp môn nhập thế, vì thế nên, người tu theo Đạo Phật Pháp môn Thiền tông phải sống và làm việc theo quy luật của con người: Phải làm ăn để chăm lo cho bản thân, gia đình, xã hội và tìm cách tạo ra Nghiệp Công đức. Khi tạo ra được Nghiệp Công đức, biết kết hợp “Buông” những dòng suy nghĩ và những việc làm hơn thua phải trái, hay “Dừng” những dòng suy nghĩ và những việc làm hơn thua phải trái, hoặc “Thôi” không suy nghĩ và làm những việc làm hơn thua phải trái, cũng gọi là “Dứt” những dòng suy nghĩ và những việc làm hơn thua phải trái, tới khi đủ duyên sẽ cảm ngộ được Thanh tịnh Thiền, hay còn gọi là, được “rơi vào Thanh tịnh của Tánh Phật”. Khi được “rơi vào Thanh tịnh của Tánh Phật”, mà muốn ở trong Thanh tịnh của Tánh Phật để hưởng Thanh tịnh, không muốn trở lại sống với tánh Người, sẽ được gọi là “ở trong Thanh tịnh lâu điên”, là có nguyên do như sau:
1. Tánh Phật vào thế giới loài người mượn Thân và tánh Người để tạo ra Nghiệp Công đức, không phải vào thế giới loài người để tìm Thanh tịnh, vì Tánh Phật vốn tự nhiên Thanh tịnh.
2. Tánh Phật vào thế giới loài người mượn Thân và tánh Người thì phải sống và làm việc theo quy luật của con người, có nghĩa, phải sống bằng tánh Người để làm ăn chăm lo cho bản thân, gia đình, xã hội và tìm cách tạo ra Nghiệp Công đức. Nhưng không muốn sống với tánh Người và không muốn theo quy luật của con người, mà chỉ muốn được ở trong Thanh tịnh, đồng nghĩa, không làm theo quy luật của con người và không làm tròn trách nhiệm của một con người, vì vậy sẽ không có Tiền và không tiếp xúc được với con người, nên không tạo ra được Nghiệp Công đức. Không tạo ra được Nghiệp Công đức sẽ không Giải thoát được.
3. Không có Nghiệp Công đức nhiều, nhưng lại muốn được ở trong Thanh tịnh, tức Thanh tịnh chập chờn và Thanh tịnh do ép tánh Người mà được, một thời gian ngắn sẽ bị Cô Hồn gá vào và tạo ra Thanh tịnh giả, người này tưởng mình đang được ở trong Thanh tịnh thật, do đó, làm thơ kệ và nói những chuyện huyên thiên, trước sau bất nhất, hay còn gọi là, nói chuyện giống Cô Hồn.
Vì thế nên, Người tu theo Đạo Phật Pháp môn Thiền tông mà muốn ở trong Thanh tịnh, sẽ được gọi là “ở trong Thanh tịnh lâu điên”.
Xin chân thành cám ơn anh!
Trả lời ngày 09 tháng 01 năm 2021
Thiền tông gia Đức Tịnh